Monday, August 3, 2015

Ở trẻ nhỏ triệu chứng của bệnh đái tháo đường như vàng da, quấy khóc... thường rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Bệnh đái tháo đường ở trẻ sơ sinh thường được tình cờ phát hiện khi bệnh nhi nhập viện vì nghi ngờ bị mắc một bệnh lý sơ sinh khác.


Tìm gen đột biến

Khó phát hiện triệu chứng
Ở trẻ nhỏ triệu chứng của bệnh đái tháo đường như vàng da, quấy khóc... thường rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Bệnh đái tháo đường ở trẻ sơ sinh thường được tình cờ phát hiện khi bệnh nhi nhập viện vì nghi ngờ bị mắc một bệnh lý sơ sinh khác.

Vàng da, quấy khóc.. có thể là biểu hiện của đái tháo đường
Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết đái tháo đường sơ sinh là trẻ dưới 3 tháng tuổi được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường. Tại nước ta chưa có con số thống kê bệnh nhi cụ thể, nhưng qua số trẻ mắc bệnh được phát hiện và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, một năm có 5-10 ca đái tháo đường sơ sinh. Bác sĩ Thoại Loan nhận xét đây là một tỉ lệ khá cao. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, phó khoa thận máu nội tiết, mỗi năm bệnh viện điều trị 1-2 ca.

Đái tháo đường sơ sinh khác hẳn đái tháo đường ở trẻ lớn và đái tháo đường ở người lớn. Trong số những trẻ mắc bệnh đái tháo đường sơ sinh có đến 50-60% nguyên nhân là do đột biến gen gây ra tình trạng tăng đường huyết. Nhưng muốn chẩn đoán đường huyết cao do đột biến gen sẽ phải gửi mẫu ADN đến một số trung tâm chuyên về đái tháo đường sơ sinh để tìm ra những gen đột biến.

Tại VN hiện chưa có trung tâm nào làm được điều này. Những ca đái tháo đường sơ sinh đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều được chuyển mẫu ADN sang Úc để tìm nguyên nhân gây bệnh. Tại sao phải cần tìm đột biến gen ở những trẻ mắc bệnh đái tháo đường sơ sinh? Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, bệnh nhi nào có đột biến gen thì không cần dùng thuốc chích insulin mà có thể chuyển sang uống thuốc hạ đường huyết sẽ thuận tiện, hiệu quả.

Nhiều khó khăn

Bác sĩ Thoại Loan cho rằng việc chẩn đoán đái tháo đường sơ sinh không khó, nhưng quá trình điều trị lại gặp nhiều khó khăn vì bệnh nhi phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt.

Cụ thể, với trẻ dưới 3 tháng tuổi rất khó chích insulin, nhất là liều lượng chích mỗi lần rất ít. Hơn nữa, mô dưới da trẻ nơi chích insulin lại rất mỏng. Quá trình điều trị bệnh đái tháo đường cần tránh không để đường huyết của bệnh nhân quá cao hoặc bị hạ đường huyết, nhưng ở trẻ nhỏ biểu hiện duy nhất cho cả hai điều cần tránh này chỉ là tiếng khóc.

Vì vậy, việc quan trọng nhất để theo dõi đường huyết ở trẻ sơ sinh vẫn là lấy máu ở đầu ngón chân hoặc đầu ngón tay để thử đường huyết cho trẻ, 4-6 lần/ngày! Một phương pháp điều trị mới, hiện đại là bơm tự động insulin dưới da nhưng điều trị theo phương pháp này khá tốn kém và không phải lúc nào cũng dễ dàng bơm dưới da.

Ở tuổi thanh thiếu niên, trẻ mắc bệnh đái tháo đường cần được hỗ trợ tâm lý trong quá trình điều trị. Nếu trẻ tuân thủ việc điều trị và theo dõi tốt sẽ có cuộc sống như người bình thường. Tuy nhiên đó là trên lý thuyết, còn thực tế để một đứa trẻ tuân thủ đúng theo chế độ điều trị rất khó. Việc điều trị hiệu quả bệnh đái tháo đường trẻ em đòi hỏi một êkip chuyên nghiệp (bác sĩ nội tiết nhi, điều dưỡng nội tiết nhi, bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ tâm lý), cũng như một sự hợp tác tích cực của bệnh nhi và đặc biệt là gia đình bệnh nhi.
 

0 comments :

Post a Comment